Yêu cầu tất yếu của các tòa soạn

Xu hướng sáng tạo báo chí trong kỷ nguyên AI đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đổi mới sáng tạo trong báo chí với sự hỗ trợ của AI là một yêu cầu tất yếu để các tòa soạn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay.

AI có thể tối ưu hóa các quy trình làm việc nội bộ, từ quản lý nội dung đến quản lý nguồn lực, cải thiện hiệu suất và tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho tòa soạn.

AI có thể hỗ trợ quá trình sáng tạo báo chí, giúp tăng hiệu quả và năng suất. AI có khả năng tự động hóa nhiều quy trình như thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, và thậm chí viết bài, nhờ thế, các nhà báo và biên tập viên có thêm thời gian tập trung vào những nhiệm vụ sáng tạo và quan trọng hơn. Nhiều tòa soạn trên thế giới đã áp dụng các công cụ AI để viết bài tự động, chủ yếu là các bài viết có cấu trúc rõ ràng như báo cáo tài chính, kết quả thể thao, và tin tức thời tiết. AI có thể hỗ trợ biên tập viên biên tập thông minh bằng cách tự động phát hiện và sửa lỗi ngữ pháp, kiểm tra tính nhất quán của thông tin, thậm chí đề xuất cách diễn đạt tốt hơn.

Các nền tảng báo chí sử dụng AI để phân tích hành vi người đọc và đưa ra đề xuất nội dung phù hợp với sở thích, nhu cầu của từng cá nhân. AI còn giúp điều chỉnh giao diện và cách trình bày nội dung để phù hợp với từng người đọc, tăng cường trải nghiệm người dùng, tăng tính hấp dẫn, thu hút công chúng.

Nhiều tòa soạn sử dụng chatbot, trợ lý ảo để tương tác với người đọc, cung cấp thông tin nhanh chóng và hỗ trợ trả lời các câu hỏi phổ biến. AI hỗ trợ tạo ra các nội dung đa phương tiện như video, podcast và đồ họa thông tin, từ đó nâng cao sự tương tác và hấp dẫn của bài viết.

AI cũng được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu của tin giả bằng cách phân tích nguồn tin, nội dung và cách thức lan truyền trên mạng xã hội, giúp các tòa soạn nâng cao độ chính xác và uy tín. Việc sử dụng các công cụ AI để kiểm tra nguồn tin và xác thực thông tin là một bước tiến quan trọng trong việc duy trì chất lượng báo chí.

AI có thể phân tích dữ liệu lớn để xác định xu hướng và dự đoán các sự kiện sắp tới, giúp tòa soạn nhanh chóng nắm bắt và phản ứng với thay đổi trong môi trường thông tin, từ đó cung cấp cho người đọc những tin tức cập nhật và chính xác nhất.

Sự tích hợp của AI vào ngành báo chí mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới, không chỉ làm thay đổi cách thức sản xuất và phân phối nội dung mà còn tạo ra một môi trường thông tin phong phú, đa dạng và minh bạch hơn.

Khoảng cách cần thu hẹp giữa Việt Nam với thế giới

Báo chí Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và khoảng cách cần thu hẹp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một số tòa soạn lớn đã bắt đầu ứng dụng AI vào quá trình sản xuất nội dung, như việc sử dụng chatbot để tương tác với độc giả và tự động hóa viết bài cho một số loại tin tức. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng AI vẫn chưa rộng rãi và còn hạn chế so với các tòa soạn lớn ở khu vực và thế giới.

Báo chí Việt Nam cũng đang bắt đầu khai thác dữ liệu lớn để phân tích xu hướng và tối ưu hóa nội dung. Tuy nhiên, khả năng phân tích dữ liệu và ứng dụng kết quả vào chiến lược nội dung còn ở mức sơ khai so với các nước phát triển.

Mặc dù có một số nỗ lực cá nhân hóa nội dung dựa trên hành vi người đọc, nhưng các tòa soạn ở Việt Nam vẫn cần phát triển mạnh hơn về khả năng này để theo kịp xu hướng toàn cầu.

Các nền tảng báo chí số ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai các tính năng tương tác như bình luận, thảo luận trực tuyến và các chương trình tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, mức độ tương tác và sáng tạo trong việc thu hút độc giả vẫn chưa đạt được sự đa dạng và phong phú như ở các nước tiên tiến.

Việc sử dụng AI để kiểm chứng thông tin và phát hiện tin tức giả ở Việt Nam còn hạn chế và chưa được triển khai rộng rãi. Đội ngũ nhân viên báo chí ở Việt Nam cần được đào tạo và cập nhật kỹ năng số, kỹ năng làm việc với các công cụ và công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của môi trường báo chí hiện đại.

Các cơ quan báo chí trong nước cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các tòa soạn tiên tiến trên thế giới để nâng cao trình độ và khả năng sáng tạo trong báo chí, giúp báo chí Việt Nam không chỉ cải thiện chất lượng nội dung mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu và kỳ vọng của độc giả trong kỷ nguyên số.

Những việc cần làm

Để các tòa soạn có thể triển khai hiệu quả hoạt động sáng tạo báo chí trong kỷ nguyên AI, cần phải đảm bảo một số điều kiện cần và đủ như hạ tầng công nghệ hiện đại, các phần mềm và công cụ AI phù hợp, đội ngũ kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin… Đặc biệt, nhà báo cần được đào tạo về kỹ năng số, cách sử dụng các công cụ AI, và hiểu biết về quy trình làm việc trong môi trường số.

Bên cạnh đó, cần có một chiến lược rõ ràng về việc ứng dụng công nghệ số và AI trong hoạt động báo chí, bao gồm các mục tiêu cụ thể và kế hoạch triển khai chi tiết. Các tòa soạn cần thiết kế lại quy trình làm việc để tích hợp công nghệ AI vào các bước từ sản xuất nội dung đến phân phối và tương tác với độc giả.

Những việc cần làm khác gồm: Đầu tư tài chính; Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư và các đối tác công nghệ để chia sẻ chi phí và rủi ro; Liên kết với công ty công nghệ để tận dụng các giải pháp AI tiên tiến và cập nhật những xu hướng mới nhất; Xây dựng mạng lưới liên kết với các tòa soạn khác, các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp khuyến khích sự sáng tạo, thử nghiệm và đổi mới trong toàn bộ tòa soạn…

Sự kết hợp đồng bộ các yếu tố nêu trên sẽ giúp tòa soạn tận dụng tối đa tiềm năng của AI và đạt được những thành công bền vững trong môi trường báo chí hiện đại.

Những sai lầm cần tránh

Trong quá trình triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo báo chí trong kỷ nguyên AI, các tòa soạn cần tránh một số lỗi/sai lầm để đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững.

Lỗi đầu tiên là triển khai đổi mới sáng tạo mà không có một chiến lược cụ thể và rõ ràng, dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực và thất bại trong việc đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ hai là bỏ qua hoặc xem nhẹ việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhà báo. Việc đào tạo này không chỉ về lĩnh vực công nghệ mới và AI, mà còn cả về kỹ năng nghiệp vụ báo chí cơ bản theo chuẩn quốc tế.

Thứ ba là thiếu sự tham gia của lãnh đạo, không ủng hộ đầy đủ hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thứ tư là bỏ qua phản hồi của độc giả và người dùng trong quá trình triển khai các dự án mới, khiến toà soạn có thể không đáp ứng được nhu cầu thực tế của độc giả, dẫn đến thất bại.

Thứ năm là đặt quá nhiều niềm tin vào công nghệ mà quên mất yếu tố con người và nội dung, khiến các bài viết và sản phẩm báo chí có thể thiếu đi sự nhân văn và không gây được sự kết nối với độc giả.

Thứ sáu là chạy theo số lượng và tốc độ mà bỏ qua chất lượng của nội dung, làm mất uy tín và lòng tin của độc giả, ảnh hưởng đến thương hiệu của tòa soạn.

Thứ bảy là bỏ qua tính bảo mật và quyền riêng tư. Việc không đảm bảo an toàn thông tin và quyền riêng tư của độc giả khi sử dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn, có thể gặp phải các vấn đề pháp lý và mất lòng tin của độc giả.

Thứ tám là thiếu linh hoạt và sáng tạo. Vì công nghệ thay đổi rất nhanh, việc không đủ linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường có thể dẫn đến dễ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.

Để đạt hiệu quả tốt hơn trong hoạt động đổi mới sáng tạo báo chí tại Việt Nam, cần sự đồng bộ trong việc đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực nhân lực, vai trò lãnh đạo sáng tạo, và hợp tác quốc tế.

Việc thực hiện các đề xuất và khuyến nghị sẽ giúp các tòa soạn báo chí Việt Nam không chỉ bắt kịp xu hướng thế giới mà còn tạo ra những giá trị mới, nâng cao chất lượng và uy tín của báo chí Việt Nam.

Trần Lệ Thùy

Giám đốc Công ty Sáng kiến truyền thông và phát triển